Trong thời gian qua, UBND xã An Ninh Tây đã tuyên truyền đến toàn thể nhân dân trong xã những nội dung cơ bản của Luật Thủy sản năm 2017 và các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng thủy sản để nhân dân biết, thực hiện.
Đặc biệt là trong thời gian từ trước tết Nguyên đán đến nay, UBND xã đã nhiều lần thông báo đến các hộ nhân dân có lồng bè nuôi hàu ,vẹm trên sông Bình Bá và sông Vạn Cũi biết việc nuôi hàu, vẹm tự phát như hiện nay là trái phép, vi phạm những quy định của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của dòng sông, gây cản trở, mất an toàn cho tàu thuyền khi ra vào cảng cá Tiên Châu và Lạch Vạn Cũi. UBND xã đã yêu cầu các hộ nuôi hàu, vẹm ký cam kết tự tháo dỡ trong thời gian nhất định nhưng qua kiểm tra cho thấy không có hộ nào tự tháo dỡ lồng bè mà số lượng lồng bè ngày càng phát sinh nhiều hơn.
Căn cứ Quyết định số: 22/2018/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2018 của UBND tỉnh Phú Yên về việc Ban hành quy định về quản lý nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè trên các vùng ven biển tỉnh Phú Yên;
Thực hiện Thông báo số: 831/UBND ngày 25/3/2024 của UBND huyện Tuy An về việc rà soát, thống kê, sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện, UBND xã đã xây dựng kế hoạch và sẽ tổ chức ra quân giải tỏa, xử lý lồng xếp (lờ dây, bát quái, lừ, dớn...) và lồng bè nuôi Hàu, Vẹm trái phép… trên địa bàn xã.
Hôm nay, một lần nữa UBND xã An Ninh Tây tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể nhân dân được biết và yêu cầu các hộ đang có lồng bè nuôi hàu ,vẹm trên sông Bình Bá và sông Vạn Cũi biết việc làm bè nuôi hàu, vẹm tự phát như hiện nay là trái phép, vi phạm những quy định của Nhà nước và yêu cầu phải tự tháo dỡ; nếu không tháo dỡ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Căn cứ Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Điều 17. Vi phạm quy định về điều kiện nuôi trồng thủy sản
Khoản 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè …
Điều 27. Vi phạm quy định về ngư cụ khai thác thủy sản
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vứt bỏ trái phép ngư cụ xuống vùng nước tự nhiên.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản.
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này;
(Căn cứ Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghề lồng xếp (lờ dây, bát quái, lừ, dớn...) thuộc danh mục Nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản).
Căn cứ Nghị định 132/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường thủy nội địa.
Điều 8. Vi phạm quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa khi khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đánh bắt thủy sản, hải sản lưu động gây cản trở giao thông.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đặt dụng cụ, để phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện hoặc đặt dụng cụ, để phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản không đúng theo hướng dẫn của đơn vị quản lý đường thủy nội địa.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không dỡ bỏ dụng cụ, không di dời phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản ngay sau khi chấm dứt hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng;
b) Không dỡ bỏ, di chuyển, thu hẹp dụng cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản theo thông báo của đơn vị quản lý đường thủy nội địa.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đặt dụng cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản trên luồng.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu dụng cụ, phương tiện đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 3 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc di dời dụng cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này;
b) Buộc dỡ bỏ, di dời, thu hẹp dụng cụ, phương tiện nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này.
UBND xã An Ninh Tây tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể nhân dân biết, tự giác thực hiện./.